Doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2022

Doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng trong những tháng cuối năm 2022

Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do phải đối diện tình cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Việc này cũng đồng nghĩa với đời sống của người lao động bị ảnh hưởng lớn, thu nhập giảm sút.

Ảnh: CIRD tổng hợp

Đơn hàng ngày càng ít

Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu. Các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng rõ nhất là đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

Thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là EU, Hoa Kỳ đã giảm nhu cầu tiêu dùng, thắt chặt chi tiêu, tác động ngay tới lượng đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

Đơn hàng giảm đã xảy ra liên tục từ tháng 8 đến nay. Lúc này, các doanh nghiệp da giày, đồ gỗ đang rất sốt ruột bởi cầu tiêu dùng hàng hóa giảm không chỉ ở hiện tại, mà đã lan sang cả quý I năm sau.

Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022, do S&P Global công bố cho hay: “Mặc dù điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh tăng trưởng đơn hàng mới yếu hơn”.

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu về tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều kém nhất trong 13 tháng.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) xác nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD. Mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 khó đạt khi đơn hàng liên tục giảm. Nếu tháng 8 xuất khẩu mang về 1,45 tỷ USD, tháng 9 mang về 1,4 tỷ USD, thì tháng 10 chỉ còn 1,2 tỷ USD. Hai tháng còn lại trong năm nếu theo đà giảm của đơn hàng có thể chỉ còn khoảng 1 tỷ USD/tháng.

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thông tin, tăng trưởng 9 tháng của năm khá tốt, nhưng cuối năm thì tình hình đảo ngược, đơn hàng ít đi. Thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng hết quý IV và sẽ kéo dài sang năm 2023.

Ảnh: vnenonomy.vn.

Năm 2023 chưa hết khó nhưng doanh nghiệp vẫn phải trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể chủ động tổ chức sản xuất ngay khi có các tín hiệu khởi sắc

Việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với nhiều doanh nghiệp là bài toán khó. Đơn hàng giảm, việc làm không đủ cho lao động, nếu không khéo thu xếp, đảm bảo chi trả thu nhập sẽ mất lao động, khi thị trường phục hồi trở lại sẽ thiếu nguồn lực cho sản xuất. Nhưng chi phí đâu để chi trả lại là câu chuyện đau đầu.

Hiện một số dây chuyền sản xuất, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… tại khu vực phía Nam đã phải tính đến chuyện giãn giờ làm, không còn cảnh tăng ca, thậm chí cắt giảm lao động.

Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu) cho biết, dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do tình hình kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng. Được biết, doanh nghiệp này có gần 1.500 công nhân có hợp đồng lao động thời hạn 1 năm và sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12.

Với đặc thù sử dụng nhiều lao động, 2 ngành dệt may, da giày sợ nhất phải cắt giảm lao động, bởi khi sản xuất phục hồi sẽ không kiếm đâu ra người. Nhưng do lâm vào thế khó, với các doanh nghiệp quy mô lớn mà đơn hàng giảm sâu cũng khó điều phối lao động, đành chọn phương án cho nghỉ việc. Doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn thì cố giữ chân lao động.

Công ty TNHH Việt Thắng Jean thừa nhận, lượng đơn hàng từ thị trường châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi từ Mỹ giảm 30-40%. Trước thực trạng đơn hàng suy giảm, doanh nghiệp luôn bám sát thông tin thị trường cũng như theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh của khách hàng để có ứng biến phù hợp, đồng thời phát triển thêm các thị trường mới như Canada, Australia.

(Nguồn tham khảo: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-lo-sot-vo-vi-sut-giam-don-hang-d177587.html)

Người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng

Gần đến Tết Nguyên đán, nhưng ngày càng nhiều doanh nghiệp phải đối diện tình cảnh đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Việc này cũng đồng nghĩa với đời sống của người lao động bị ảnh hưởng lớn, thu nhập giảm sút.

Ảnh: thanhnien.vn.

Chia sẻ sau chuyến khảo sát thực tế mới đây tại các tỉnh thành phía Nam, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, hầu hết các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Cần Thơ….đều có tình trạng cắt giảm nhân sự, chủ yếu xảy ra ở những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như dệt may, quần áo, da giầy, đồ dùng điện tử.

Phân tích nguyên nhân, TS Vũ Minh Tiến cho rằng, làn sống cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp.

Thậm chí có những đơn vị còn không cả có đầu vào để sản xuất. Có thể nói là cả đầu vào và đầu ra đều rất khó đối với rất nhiều doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam lại làm gia công rất nhiều.

“Những khó khăn của đại dịch covid- 19, người lao động vẫn chưa kịp gưỡng dậy thì giờ đây làn sóng thất nghiệp ập đến khiến họ đứng trước tình cảnh giảm thu nhập, thậm chí mất việc khi những ngày cuối năm cận kề”. Ông Tiến cho rằng, đây thực sự là một khó khăn kép.

Các doanh nghiệp đang tìm mọi cách xoay xở để có đơn hàng, có việc làm cho người lao động

Đồng Nai. Theo thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong quý III và quý IV/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 100 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, phải sắp xếp lại lao động khiến cho khoảng 200.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Trong số đó, đã có khoảng 20.000 lao động bị cắt giảm.

Hiện các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là chế biến gỗ xuất khẩu, may, giày da… Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt (Đồng Nai) vẫn duy trì việc làm cho người lao động trong khi đơn hàng giảm. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cho công nhân ở trọ miễn phí để giảm áp lực chi phí

Tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt đóng tại xã Phước Tân, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu với khoảng 500 công nhân lao động, nhưng từ nhiều tháng nay số lao động đã giảm chỉ còn khoảng một nửa do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu nhập NLĐ giảm mạnh. Theo đó, vào cuối năm 2021 doanh nghiệp này có rất nhiều đơn hàng, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định, song từ tháng 3 – 4.2022 đơn hàng bắt đầu sụt giảm, đến tháng 6.2022 thì hàng không xuất đi được. Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu được từ 80-90 container hàng, nhưng nay chỉ xuất đi được từ 10-15 container hàng. 

Thiếu đơn hàng, công ty cũng chỉ giữ được 50% việc làm cho người lao động. Nếu trước đây, công nhân được làm việc và tăng ca 12 tiếng/ngày vào cả thứ bảy và chủ nhật, thì hiện nay công nhân chỉ làm việc 8 tiếng, không tăng ca và mỗi tuần cũng chỉ làm 5 ngày, khiến thu nhập giảm mạnh. Một số công nhân do thu nhập thấp cũng đã bỏ về quê, một số khác thì được công ty tạo điều kiện chỗ ăn ở miễn phí, vừa làm việc cầm chừng tại công ty vừa ra ngoài làm thêm các công việc nặng nhọc như phụ hồ, khuân vác… để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. 

Ông Tống Văn Vinh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt cho biết: “Đến nay chúng tôi chỉ còn khoảng 50% lao động, với 250 công nhân. Công ty vẫn đang cố gắng gồng gánh đến hết Tết Dương lịch để người lao động có tiền thưởng Tết. Sau đó, công ty cho NLĐ nghỉ dài hạn 2-3 tháng, chờ tình hình khả quan hơn”.

Ông Vinh cũng cho biết thêm, để giúp công nhân vượt qua tình hình khó khăn trước mắt, công ty vẫn duy trì 150 phòng trọ miễn phí dành cho người lao động và có cả nhà trẻ mẫu giáo để họ yên tâm lao động sản xuất.

Đối với công nhân lao động cũng chia sẻ và thấu hiểu khó khăn với doanh nghiệp. Anh Dương Nhuyễn (37 tuổi) – công nhân Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt cho biết, gia đình anh sinh sống trong khu nhà lưu trú công nhân của công ty và hoàn toàn miễn phí, chỉ phải trả tiền điện nước nên bớt phần nào khó khăn. “Hiện nay tình hình chung ở thế giới còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp nên tôi cũng cố gắng chia sẻ với doanh nghiệp mà không than vãn về việc thu nhập có bị ảnh hưởng hay không” – anh Nhuyễn cho biết.

Giảm đơn hàng, công ty cam kết không cắt giảm lao động

Tại Công ty TNHH Tokin Electronics Khu công nghiệp Loteco Long Bình, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thuộc tập đoàn Tokin Nhật Bản, chuyên gia công và sản xuất các chủng loại sản phẩm điện tử như cuộn cảm, biến thế nhỏ, cảm biến và bo mạch. Công ty có hơn 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình thế giới cũng khiến đơn hàng của công ty bị giảm theo. Mặc dù vậy, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở công ty vẫn thường xuyên thương lượng với ban giám đốc công ty để duy trì không cắt giảm lao động, đồng thời tìm kiếm thêm các đơn hàng mới nhằm đảm bảo thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng, đặc biệt trong dịp cuối năm. 

Ông Phan Tới Thọ Hiệp – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tokin Electronics cho biết,  công ty đang cố gắng duy trì không cắt giảm lao động cuối năm, đảm bảo đơn hàng, tiền lương, thưởng Tết phù hợp nhất với người lao động…

Trong khi đó, tại các doanh nghiệp có số lượng đông công nhân lao động, cũng đã có các giải pháp để giữ chân NLĐ mà không cắt giảm lao động. Các giải pháp được doanh nghiệp đang áp dụng là: Bố trí ngày nghỉ phép hằng năm, trả lương ngừng việc, thỏa thuận hợp đồng lao động. Như Công ty TNHH Changshin VN (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), là doanh nghiệp giày da có khoảng 40.000 NLĐ, cũng trong tình trạng khó khăn về đơn hàng, nhưng bằng nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, doanh nghiệp này vẫn không cắt giảm lao động, giữ mức thu nhập của NLĐ ổn định. Ông Đặng Tuấn Tú – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam cho biết: “Mặc dù giảm đơn hàng nhưng công ty cam kết không cắt giảm lao động”. 

Còn tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hòa) có khoảng 35.000 lao động, chuyên gia công giày da, để không cắt giảm lao động, mỗi tháng doanh nghiệp này phải chấp nhận giảm bớt 2-3 ngày làm việc của NLĐ/tháng, trong đó sẽ có 1 ngày nghỉ phép năm, những ngày còn lại doanh nghiệp sẽ trả lương tối thiểu vùng cho người lao động. Các khoản phụ cấp, bảo hiểm của NLĐ đều được đóng đầy đủ.

Nguồn: CIRD tổng hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *