Quá trình hình thành

Từ 2009 - 2017

Quan hệ lao động trong kinh tế thị trường được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động trong khuôn khổ luật pháp. Đối thoại và thương lượng là cơ chế hữu hiệu để thông qua đó hai bên có quyền lợi khác nhau trong quan hệ lao động có thể thỏa thuận được điểm cân bằng, hài hòa lợi ích để hợp tác làm việc. Do đối thoại và thương lượng là hoạt động mang tính tự nguyện giữa hai bên nên không thể dùng bộ máy quản lý nhà nước để can thiệp trực tiếp vào hoạt động này. Bởi vậy, bên cạnh bộ máy thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cần có bộ máy thực hiện chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng một cách có hiệu quả. Cơ quan hỗ trợ đó phải là một cơ quan nhà nước bởi chỉ có cơ quan nhà nước mới đủ uy tín đối với cả hai bên để có thể đóng vai trò là bên trung lập, khách quan giúp hai bên vượt qua cách biệt để tiến tới thỏa thuận.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, ngày 5/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 151/QĐ-TTg về thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với chức năng là đơn vị sự nghiệp công phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước về quan hệ lao động. Những nhiệm vụ chính của Trung tâm gồm: Thực hiện vai trò trung gian trong hoạt động đối thoại, thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động. Hỗ trợ kỹ thuật trong đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; Giải quyết tranh chấp lao động theo yêu cầu; Tư vấn xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Từ 2017 - 2023

Giai đoạn này, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kéo theo là sự phát triển không ngừng của thị trường lao động và sự thay đổi mạnh mẽ của quan hệ lao động. Cùng với đó vai trò của nhà nước trong quan hệ lao động cũng đang trong quá trình dịch chuyển từ chỉ đạo trực tiếp sang tạo dựng khung khổ luật pháp và hỗ trợ các bên tương tác theo tinh thần của Bộ luật Lao động ban hành năm 2019.

Từ thực tiễn trên, việc hoàn thiện hệ thống về quan hệ lao động, bao gồm: khung khổ luật pháp; hệ thống các cơ chế, thể chế, chính sách; quản lý và hỗ trợ QHLĐ của nhà nước và thanh tra, kiểm tra, giám sát… đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Vụ Lao động-Tiền lương và Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, theo Quyết định số 736/QĐ-LĐTBXH ngày 24/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương. Theo đó, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động và tiền lương theo quy định của pháp luật. Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, thực hiện các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về quản lý lao động, quan hệ lao động và tiền lương.

Những nhiệm vụ chính Trung tâm triển khai hoạt động trong giai đoạn này được thực hiện theo Quyết định số 333/QĐ-BLĐTBXH ngày 27/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, vì vậy được mở rộng trên 3 lĩnh vực: quản lý lao động, quan hệ lao động và tiền lương, bao gồm: Tổ chức các hoạt động sự nghiệp, tư vấn, hỗ trợ về quản lý lao động, quan hệ lao động và tiền lương; Tập huấn chính sách, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, trọng tài; Xây dựng, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu, ấn phẩm thông tin thuộc lĩnh vực lao động, quan hê lao động và tiền lương.

Từ tháng 9/2023 đến nay

Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động hoạt động theo Quyết định số 1396/QĐ-LĐTBXH ngày 21/9/2023 do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động là đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước thuộc Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực hiện tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ tư vấn về quản lý lao động, quan hệ lao động, tiền lương và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ chính

1. Xây dựng, trình Cục Quan hệ lao động và Tiền lương để trình Bộ chương trình, kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn và hàng năm của Trung tâm; tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Nghiên cứu, đề xuất, tư vấn, cung cấp thông tin về đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, đăng ký và quản lý các tổ chức đại diện người lao động và các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

3. Là đầu mối giúp Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Quan hệ lao động; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Bộ phận giúp việc Ủy ban Quan hệ lao động.

4. Hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện vai trò trung gian trong hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động theo yêu cầu.

5. Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương và các nội dung khác.

6. Tổ chức các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong triển khai chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương và các nội dung khác.

7. Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

8. Tham gia xây dựng, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu, bộ tiêu chí đánh giá quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

9. Tham gia nghiên cứu, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, đề án, dự án về lao động, quan hệ lao động, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, tiền lương.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và phân công của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.

Cơ cấu tổ chức

EnglishVietnam