Lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo quan hệ lao động năm 2023

Uỷ ban Quan hệ lao động họp kỹ thuật lấy ý kiến về Dự thảo Báo cáo quan hệ lao động năm 2023

Triển khai thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban Quan hệ lao động, ngày 10/11/2023, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành cuộc họp kỹ thuật “Lấy ý kiến báo cáo quan hệ lao động năm 2023”. Tham dự có các đại diện của các cơ quan thành viên Uỷ ban Quan hệ lao động, các chuyên gia quan hệ lao động, các đại diện các viện/cơ quan nghiên cứu và giảng viên các trường đại học có liên quan. Buổi họp do ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương khai mạc buổi họp và điều hành thảo luận.

Ông Nguyễn Huy Hưng, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Huy Hưng cho biết xây dựng báo cáo quan hệ lao động và công bố định kỳ báo cáo là một nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban Quan hệ lao động. Báo cáo quan hệ lao động năm 2023, cùng với nhiều nghiên cứu liên quan khác, sẽ là chất liệu giúp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về quan hệ lao động phục vụ cho việc chuẩn bị các văn kiện Đại hội Đảng sắp tới. Ông Hưng cũng hy vọng báo cáo quan hệ lao do Uỷ ban Quan hệ lao động công bố trở sẽ thành kênh thông tin tham chiếu tin vậy và kiểm chứng những nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Báo cáo quan hệ lao động năm 2023 do Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động) chủ trì soạn thảo đã được lấy ý kiến các đại biểu, các chuyên gia. Tại cuộc họp lấy ý kiến lần này, ông Hưng mong muốn các đại biểu và chuyên gia sẽ tích cực đóng góp ý kiến để báo cáo được hoàn thiện thêm một bước trước khi trình lên Uỷ ban Quan hệ lao động thảo luận xem xét thống nhất.

Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động thay mặt nhóm chuyên gia soạn thảo trình bày dự thảo báo cáo

Sau phần trình bày tóm tắt Báo cáo quan hệ lao động năm 2023 của ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, các đại biểu thảo luận đóng góp trực tiếp vào dự thảo báo cáo.

Đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Các đại biểu và chuyên gia cơ bản nhất trí với bố cục của báo cáo được rút gọn thành 3 Chương: Bối cảnh kinh tế-xã hội, Thực trạng quan hệ lao động và Khuyến nghị. Các số liệu, dữ liệu và nhận định xu hướng phát triển quan hệ lao động nêu trong dự thảo báo cáo khá đầy đủ, khái quát được bức tranh về quan hệ lao động trong bối cảnh nhiều biến động về kinh tế-xã hội trên thế giới và ở nước ta thời gian vừa qua.

Đại biểu Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đại biểu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Một số góp ý bổ sung, sửa đổi hoàn thiện báo cáo,

– Ý kiến đại biểu người lao động và đại biểu người sử dụng lao động

+ Xu hướng cách mạng 4.0 và chuyển đổi số dẫn đến sự chuyển dịch về cơ cấu việc làm; nhiều việc làm truyền thống mất đi đồng thời với việc làm mới xuất hiện; yêu cầu của người sử dụng đối với người lao động về trình độ chuyên môn, tay nghề sẽ cao hơn, tác phong làm việc sẽ chuyên nghiệp hơn,… Vì vậy nên bổ sung phân tích xu hướng này tác động trực tiếp đến sự vận động của quan hệ lao động ở nước ta trong thời gian tới.

+ Phân tích sâu hơn tình trạng người lao động rút BHXH một lần do hậu quả của đại dịch COVID-19. Xu hướng này làm người sử dụng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn lao động khi bắt đầu quay lại sản xuất-kinh doanh.

+ Cần nhận định quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong giai đoạn COVID-19 diễn biến khá hài hoà. Với sự hỗ trợ sát sao của Nhà nước, hai bên trong quan hệ lao động luôn có sự thông cảm, đồng hành, cùng nhau nỗ lực phòng, chống và nỗ lực vượt qua đại dịch. Tại các doanh nghiệp mỗi khi có sự điều chỉnh như: Cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cắt/giảm tiền lương, phúc lợi xã hội, hoặc khi doanh nghiệp buộc phải áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19, người sử dụng lao động đều thông tin, tham vấn và tổ chức đối thoại, thương lượng với người lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở để đạt được sự thông cảm và đồng tình chia sẻ khó khăn của người lao động đối với doanh nghiệp. Số lượng các cuộc tranh chấp lao động, đình công trong giai đoạn này cũng giảm đáng kể. Đây có thể là một bằng chứng cho nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ ở nước ta có kết quả tốt đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn, dịch bệnh.

+ Báo cáo cần chỉ ra được những chuyển biến về quan hệ lao động từ khi Bộ luật Lao động được ban hành (năm 2019). Bộ luật Lao động được đánh giá là có những đổi mới toàn diện, đặc biệt là khung khổ luật pháp về quan hệ lao động khá đầy đủ, tiệm cận tới các tiêu chuẩn lao động quốc tế và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Báo cáo cần phân tích rõ nét hơn thực trạng quan hệ lao động thay đổi như thế nào, cụ thể là các vấn đề mới được quy định trong Bộ luật Lao động, bao gồm: Thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở; Đối thoại tại nơi làm việc; Thương lượng tập thể ngành và thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia; Thành lập nhóm đại diện đối thoại của người lao động, Hội đồng thương lượng tập thể. Những phân tích nêu trên sẽ làm căn cứ xác đáng để Uỷ ban Quan hệ lao động xem xét đưa ra thảo luận về các nhận định trên và có thể đi đến đồng thuận về các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Lao động một cách hiệu quả trong giai đoạn tới.

+ Mô hình Ban quan hệ lao động được chuyển đổi từ Tổ công tác liên ngành giải quyết đình công không theo trình tự quy định pháp luật tại tỉnh An Giang cần được phân tích sâu hơn. Đây là một thực tiễn về việc hình thành và vận động của cơ bên ba bên trong quan hệ lao động ở cấp tỉnh. Dự thảo báo cáo cần phân tích cụ thể, đánh giá mặt được, mặt chưa phù hợp của mô hình này ở cấp địa phương; qua đó đưa ra các khuyến nghị tư vấn cho Uỷ ban Quan hệ lao động thảo luận và cân nhắc xem có nên đưa ra thành khuyến nghị/mô hình để các địa phương khác tham khảo, học tập hay không?

+  Bổ sung đề xuất về những khuyến nghị của Uỷ ban Quan hệ lao động nên là định hướng để các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện pháp luật lao động một cách hiệu quả.

Bộ luật Lao động hiện hành mặc dù đã khá chi tiết vẫn không thể bao quát hết các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Bộ luật Lao động cũng quy định các bên có quyền tự quyết trong đối thoại, thương lượng và thoả thuận các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động. Chính vì vậy. quá trình triển khai thực hiện sẽ còn gặp nhiều khó khăn, điển hình như các vấn đề về tiền lương, bữa ăn giữa ca, an toàn lao động, thời giờ làm thêm, bệnh nghề nghiệp,…

Vì vậy, những định hướng, hướng dẫn ở cấp quốc gia, cụ thể là Uỷ ban Quan hệ lao động về những chủ đề này là rất cần thiết. Các khuyến nghị của Uỷ ban Quan hệ lao động sẽ giúp cho các tỉnh/thành phố thảo luận các vấn đề phù hợp với bối cảnh và đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương, từ đó có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp lao động hiệu quả, hài hoà lợi ích các bên.

Đại biểu Hiệp hội Da-Giày-Túi xác Việt Nam

– Ý kiến đóng góp của các chuyên gia

+ Cần khẳng định Uỷ ban Quan hệ lao động là chủ thể ban hành báo cáo. Báo cáo vì vậy sẽ đảm bảo các thông tin trong báo cáo sẽ có tính độc lập, tính tổng hợp, độ tin cậy  cao và phản ánh được tiếng nói của ba bên trong quan hệ lao động (Uỷ ban Quan hệ lao động là cơ chế ba bên có thành viên là các cơ quan ba bên ở cấp quốc gia, vì vậy các thông tin số liệu, nhận định xu hướng và khuyến nghị giải pháp sẽ được kiểm chứng và nhận được sự đồng thuận của cả ba bên).

+ Cần xác định những đối tượng chính báo cáo hướng đến bao gồm: Cơ quan nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp và các hiệp hội; các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế, và các nhà nghiên cứu, trường đại học, v.v… Việc xác định được đối tượng là rất quan trọng, nó sẽ quyết định những nội dung và định hướng phân tích của báo cáo.

+ Bổ sung phân tích xu hướng quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, chẳng hạn: xu hướng vận động của thị trường Bắc Mỹ, châu Âu; xu hướng liên kết làm ăn giữa các nước trên thế giới trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

+ Cần bổ sung nghiên cứu và phân tích quan hệ lao động ở một số lĩnh vực cụ thể đang là xu hướng của phát triển kinh tế quốc tế và của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, bao gồm: i) Quan hệ lao động trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: may mặc, giày dép, thuỷ sản, chế biến gỗ,…; cũng là những ngành quan hệ lao động diễn ra phức tạp trong giai đoạn vừa qua; ii) Quan hệ lao động trong nền kinh tế nền tảng; iii) Quan hệ lao động trong khu vực phi chính thức; iv) Thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Các chuyên gia cũng lưu ý các nghiên cứu này cũng cần phải có thời gian và có thể được nghiên cứu, phân tích sâu hơn trong các báo cáo quan hệ lao động giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, chuyên gia quan hệ lao động góp ý vào Dự thảo báo cáo

Các đại biểu và chuyên gia cũng đồng tình với nhóm soạn thảo về những khó khăn trong quá trình dự thảo báo cáo do khoảng trống của hệ thống số liệu, dữ liệu về quan hệ lao động hiện nay. Vì vậy, một trong những khuyến nghị giải pháp báo cáo cần nêu lên đó là, cần sớm nghiên cứu hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quan hệ lao động trong thời gian tới nhằm phục vụ cho các hoạt động Uỷ ban Quan hệ lao động và các tổ chức hữu quan khác trong quá trình xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Đại biểu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

Phần kết luận

Ông Nguyễn Huy Hưng thay mặt nhóm soạn thảo cảm ơn các đại biểu ba bên và chuyên gia đã có những đóng góp thiết thực cho dự thảo báo cáo. Bước tiếp theo dự thảo báo cáo sẽ được gửi lấy ý kiến chính thức các thành viên Bộ phận kỹ trước khi trình lên Uỷ ban Quan hệ lao động để thảo luận thống nhất. Ông khẳng định báo cáo quan hệ lao động là sản phẩm chính do Uỷ ban Quan hệ lao động phát hành, thể hiện quan điểm và tiếng nói của ba bên trong quan hệ lao động. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý, chỉnh sửa và hoàn thiện để báo cáo phản ánh được bức tranh tổng thể và đa chiều về quan hệ lao động trong bối cảnh hội nhập và có nhiều biến động phức tạp như hiện nay.

Nguồn: CIRD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *