CIRD – Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động – Cục Quan hệ lao động và Tiền lương – Bộ Lao động-Thương binh Xã hội
 
Giới thiệu về UBQHLĐ

Ngày 17.5.2007 - Ủy ban Quan hệ lao động được thành lập

Từ năm 2003, tình hình tranh chấp lao động và đình công tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xảy ra trên diện rộng và có tính lan truyền. Trước đó, bình quân mỗi năm chỉ xảy ra 50-69 cuộc đình công thì đến năm  2003 số cuộc đình công xảy ra 142 cuộc, năm 2005 là 152 cuộc, 2006 là 390 cuộc và số cuộc đình công tăng dần qua các năm. Trong bối cảnh đó để tăng cường phối hợp trong việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công hiệu quả, đồng thời tư vấn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, giảm thiểu các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật nhằm ổn định tình hình, cải thiện môi trường đầu tư, ngày 17/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2007/QĐ-TTg về việc thành lập Uỷ ban Quan hệ lao động, bao gồm các thành phần: cơ quan quản lý nhà nước về lao động; tổ chức đại diện người sử dụng lao động và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện người lao động.

Đây là cơ chế ba bên cấp quốc gia đầu tiên được hình thành ở Việt Nam – bao gồm các thành viên đại diện cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – hoạt động theo cơ chế đồng thuận thông qua các cuộc họp Ủy ban.

Ngày 18.8.2021 - Ủy ban Quan hệ lao động được kiện toàn

So với thời điểm thành lập Ủy ban năm 2007, do tác động của quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều nội dung mới về quan hệ lao động phát sinh cần giải quyết, như vấn đề bảo đảm quyền thành lập tổ chức đại diện, quyền thương lượng tập thể của người lao động theo các tiêu chuẩn quốc tế… Hệ thống pháp luật và các cơ chế, chính sách về quan hệ lao động sẽ tiếp tục phải hoàn thiện để bảo đảm hài hòa lợi ích của cả ba bên. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong quan hệ lao động tiếp tục được hoàn thiện, dịch chuyển mạnh mẽ từ cơ chế can thiệp hành chính sang cơ chế thị trường theo hướng tập trung sâu vào hoàn thiện khung khổ pháp lý, trọng tâm là xác lập các tiêu chuẩn lao động tối thiểu để bảo vệ quyền lợi của người lao động, trao quyền đầy đủ cho hai bên tự xác lập các điều kiện lao động cụ thể thông qua thương lượng, thỏa thuận. Bên cạnh hệ thống công đoàn sẽ xuất hiện các tổ chức của người lao động tham gia vào quan hệ lao động.

Trong bối cảnh này, việc duy trì và cải thiện cơ chế Ủy ban để thể hiện tiếng nói chung của ba bên trong việc tư vấn hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quan hệ lao động, đưa ra các khuyến nghị chung của ba bên để thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, xử lý những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh trong quan hệ lao động phù hợp với cơ chế thị trường, yêu cầu của hội nhập quốc tế và yêu cầu thực tiễn của đất nước là rất cần thiết.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 18/8/2021 kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Quan hệ lao động.

* Chức năng của Ủy ban Quan hệ lao động

Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

* Nhiệm vụ của Ủy ban Quan hệ lao động

(1) Tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan về phương hướng, cơ chế, chính sách và các biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách về quan hệ lao động; các giải pháp xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

(2) Nghiên cứu, đề xuất, khuyến nghị, tham gia ý kiến với cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quan hệ lao động; các biện pháp xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quan hệ lao động.

(3) Xây dựng, công bố các báo cáo định kỳ và đột xuất về quan hệ lao động.

(4) Hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, thiết lập và vận hành cơ chế ba bên về quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

(5) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến quan hệ lao động theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Quan hệ lao động - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

* Cơ cấu tổ chức

– Ủy ban có 09 thành viên, gồm

+ Chủ tịch Ủy ban;

+ 03 Phó Chủ tịch; và

+ 05 thành viên là đại diện đến từ ba bên. 

– Bộ phận kỹ thuật

Gồm các thành viên là người của các cơ quan, tổ chức tham gia thành viên Ủy ban và cơ quan, tổ chức liên quan. Bộ phận kỹ thuật có trách nhiệm giúp Ủy ban chuẩn bị các báo cáo chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến nhiệm vụ của Ủy ban.

– Bộ phận giúp việc Ủy ban

Sử dụng đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm Bộ phận giúp việc.

Bộ phận giúp việc có trách nhiệm thực hiện công tác hành chính của Ủy ban.

* Chế độ làm việc

Ủy ban làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số theo Quy chế làm việc của Ủy ban.

* Trách nhiệm của các bên

– Cử người tham gia làm thành viên Ủy ban, thành viên Bộ phận kỹ thuật;

– Thông báo cho Ủy ban khi có thay đổi nhân sự tham gia thành viên Ủy ban, thành viên Bộ phận kỹ thuật;

– Đề xuất các nội dung để xây dựng thành các chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Ủy ban;

– Chuẩn bị các nội dung chuyên môn, phục vụ xây dựng các báo cáo.

* Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban

– Quyết định danh sách thành viên Ủy ban;

– Quyết định thành lập Bộ phận kỹ thuật;

– Ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban;

– Ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Ủy ban;

– Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ủy ban theo quy định tại Quyết định này và Quy chế làm việc của Ủy ban.

* Hiệu lực thi hành

Quyết định số 1413/QĐ-TTg ngày 18/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 8 năm 2021.

EnglishVietnam