TUYÊN BỐ CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ VỀ CÁC NGUYÊN TẮC VÀ QUYỀN CƠ BẢN TRONG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ

Được Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 86 của ILO thông qua, ngày 18  tháng 6 năm 1998, Geneva, Thụy Sỹ

(Phụ lục được sửa đổi ngày 15 tháng 6 năm 2010)

Xét thấy Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được thành lập với niềm tin rằng công bằng xã hội là thiết yếu đối với nền hoà bình lâu dài trên toàn thế giới;

Xét thấy tăng trưởng kinh tế là cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội và xoá bỏ đói nghèo, khẳng định sự cần thiết đối với vai trò của ILO trong việc thúc đẩy các chính sách xã hội, công bằng và các thiết chế dân chủ vững mạnh;

Xét thấy rằng hơn bao giờ hết, ILO cần tận dụng tất cả các cơ chế xác lập tiêu chuẩn lao động, hợp tác kỹ thuật và các nguồn lực nghiên cứu về tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình, đặc biệt là việc làm, đào tạo nghề và điều kiện làm việc, nhằm đảm bảo rằng trong bối cảnh chiến lược phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu, các chính sách kinh tế và chính sách xã hội hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới sự phát triển bền vững toàn diện;

Xét thấy ILO cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của những người có nhu cầu xã hội đặc biệt như người lao động thất nghiệp và người lao động di cư và huy động, khuyến khích các nỗ lực ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia nhằm giải quyết vấn đề của các đối tượng này và đẩy mạnh các chính sách tạo việc làm hiệu quả;

Xét thấy rằng để duy trì mối quan hệ giữa tiến bộ xã hội và tăng trưởng kinh tế, việc đảm bảo các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động có ý nghĩa đặc biệt, cho phép các đối tượng liên quan, trên cơ sở bình đẳng về cơ hội, tự do đòi hỏi được chia sẻ một cách công bằng những lợi ích mà họ đã góp phần tạo ra và phát huy tối đa tiềm năng của mình;

Xét thấy ILO là một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ được quy định trong Điều lệ và là một cơ quan có thẩm quyền xác lập và giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn lao động quốc tế, được sự hỗ trợ và công nhận của quốc tế trong việc thúc đẩy các quyền cơ bản trong công việc, như các nguyên tắc đã được đưa ra trong Điều lệ;

Xét thấy trong bối cảnh các nước ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, việc tái khẳng định tính bất biến của các nguyên tắc và quyền cơ bản quy định trong Điều lệ của Tổ chức và thúc đẩy việc áp dụng các quyền và nguyên tắc này trên phạm vi toàn thế giới càng trở nên cấp thiết;

HỘI NGHỊ LAO ĐỘNG QUỐC TẾ

1. Nhắc lại:

(a) rằng khi tự do gia nhập ILO, tất cả các Nước thành viên đã thừa nhận các quyền và nguyên tắc trong Điều lệ của ILO và trong Tuyên bố Philadelphia và đã cam kết hành động nhằm đạt được các mục tiêu tổng thể của Tổ chức bằng mọi nguồn lực và hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình;

(b) rằng các quyền và nguyên tắc này đã được trình bày và phát triển dưới dạng các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong các Công ước được thừa nhận cả trong và ngoài Tổ chức là các Công ước cơ bản.

2. Tuyên bố rằng tất cả các Nước thành viên, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước này, đều có nghĩa vụ, với tư cách là một Nước thành viên của Tổ chức phải tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa một cách có thành ý phù hợp với Điều lệ, các nguyên tắc liên quan tới các quyền cơ bản và là nội dung của các Công ước, bao gồm:

(a) tự do liên kết và thừa nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;

(b) xóa bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc;

(c) xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; và

(d) xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

3. Công nhận nghĩa vụ của Tổ chức là hỗ trợ các Nước thành viên của mình, đáp ứng các nhu cầu mà các Nước thành viên đề xuất, nhằm đạt được các mục tiêu này bằng cách toàn dụng các nguồn lực theo Điều lệ, hoạt động và ngân sách, bao gồm cả việc huy động các nguồn lực và hỗ trợ từ bên ngoài, cũng như bằng cách khuyến khích các tổ chức quốc tế khác mà ILO đã thiết lập quan hệ, theo Điều 12 của Điều lệ của ILO để hỗ trợ các nỗ lực này:

(a) bằng cách đề nghị hợp tác kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ tư vấn nhằm thúc đẩy việc phê chuẩn và thực hiện các Công ước cơ bản;

(b) bằng cách hỗ trợ các Nước thành viên chưa sẵn sàng phê chuẩn một số hoặc tất cả các Công ước này trong nỗ lực của họ nhằm tôn trọng, thúc đẩy và hiện thực hóa các nguyên tắc liên quan tới các quyền cơ bản đề cập trong các Công ước này; và

(c) bằng cách giúp đỡ các Nước thành viên trong nỗ lực của họ nhằm tạo môi trường để phát triển kinh tế và xã hội.

4. Quyết định rằng, để Tuyên bố này có hiệu lực đầy đủ, một chương trình triển khai thực chất và có hiệu quả mang tính chất thúc đẩy sẽ được thực hiện phù hợp với các biện pháp được nêu cụ thể trong phụ lục kèm theo, và được coi là một phần gắn liền với Tuyên bố này.

5. Nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn lao động không được sử dụng với mục đích bảo hộ thương mại và rằng không điều khoản nào trong Tuyên bố và triển khai Tuyên bố này có thể được viện dẫn hoặc sử dụng với mục đích tương tự; ngoài ra, Tuyên bố và việc triển khai Tuyên bố không làm ảnh hưởng tới lợi thế so sánh của bất kỳ quốc gia nào.

PHỤ LỤC (SỬA ĐỔI)

TRIỂN KHAI TUYÊN BỐ

I. MỤC ĐÍCH TỔNG THỂ

1. Mục đích của việc triển khai được trình bày dưới đây là để khuyến khích các Nước thành viên của Tổ chức nỗ lực thúc đẩy các nguyên tắc và quyền cơ bản được quy định trong Điều lệ của ILO và Tuyên bố Philadelphia và được tái khẳng định trong Tuyên bố này.

2. Phù hợp với mục tiêu chỉ mang tính chất thúc đẩy và khuyến khích này, việc triển khai này sẽ cho phép xác định các lĩnh vực cần tới sự hỗ trợ của Tổ chức thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật để giúp đỡ các Nước thành viên thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản. Việc triển khai này không thay thế các cơ chế giám sát đã được thiết lập và cũng không cản trở chức năng của chúng; vì thế, các tình huống cụ thể trong phạm vi hoạt động của các cơ chế nói trên sẽ không được kiểm tra hoặc tái kiểm tra trong khuôn khổ việc triển khai này.

3. Việc triển khai này có hai khía cạnh, được trình bày dưới đây và dựa trên các quy trình hiện có: việc cập nhật thông tin hàng năm liên quan tới các Công ước cơ bản chưa được phê chuẩn sẽ đòi hỏi một số điều chỉnh về thể thức áp dụng Điều 19, Khoản 5(e) của Điều lệ ILO hiện hành; và Báo cáo Toàn cầu về tác động đối với việc thúc đẩy các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động sẽ được sử dụng để thông tin về các cuộc thảo luận định kỳ tại Hội nghị về nhu cầu của các Nước thành viên, về những hành động mà ILO cần tiến hành và về kết quả đạt được trong việc thúc đẩy những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

II. CẬP NHẬT THÔNG TIN HÀNG NĂM VỀ CÁC CÔNG ƯỚC CƠ BẢN CHƯA ĐƯỢC PHÊ CHUẨN

A- Mục đích và phạm vi

1. Mục đích là nhằm tạo cơ hội để kiểm điểm hàng năm, bằng các thủ tục được đơn giản hóa, những nỗ lực phù hợp với Tuyên bố của các Nước thành viên chưa phê chuẩn hết các Công ước cơ bản.

2. Việc cập nhật thông tin này sẽ bao gồm bốn loại nguyên tắc và quyền cơ bản được nêu cụ thể trong Tuyên bố.

B- Thể thức

1. Việc cập nhật thông tin sẽ dựa trên báo cáo của các Nước thành viên theo Điều 19, Khoản 5(e) của Điều lệ ILO. Các mẫu báo cáo sẽ được thiết kế nhằm tập hợp thông tin từ chính phủ các nước chưa phê chuẩn một hoặc một số Công ước cơ bản về mọi thay đổi về pháp luật và thực tiễn ở các nước này, có cân nhắc thỏa đáng Điều 23 của Điều lệ ILO và các cơ chế được áp dụng từ trước.

2. Vì được tổng hợp bởi Văn phòng Lao động Quốc tế, các báo cáo này sẽ do Hội đồng Quản trị xem xét.

3. Sự điều chỉnh đối với các thủ tục hiện có của Hội đồng Quản trị cần được kiểm tra nhằm cho phép các Nước thành viên không được đại diện trong Hội đồng Quản trị, theo thể thức phù hợp nhất, cung cấp những thông tin giải thích có thể là cần thiết hoặc hữu dụng trong quá trình thảo luận của Hội đồng Quản trị để bổ sung thông tin cho các báo cáo.

III. BÁO CÁO TOÀN CẦU VỀ CÁC NGUYÊN TẮC VÀ QUYỀN CƠ BẢN TRONG LAO ĐỘNG

A- Mục đích và phạm vi

1. Mục đích của Báo cáo Toàn cầu này là cung cấp một bức tranh toàn cầu sống động về bốn loại nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động được lưu ý trong giai đoạn trước đó và là cơ sở đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ của Tổ chức, xác định các ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo, dưới hình thức là các kế hoạch hành động hợp tác kỹ thuật được thiết kế nhằm huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài cần thiết để thực hiện các kế hoạch đó.

B- Thể thức

1. Báo cáo sẽ được Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm xây dựng dựa trên các thông tin chính thức hoặc thông tin được thu thập và đánh giá theo các quy trình đã được thiết lập. Trong trường hợp các nước chưa phê chuẩn các Công ước cơ bản, báo cáo sẽ chủ yếu dựa trên kết quả của hoạt động cập nhật thông tin hàng năm nêu trên. Trong trường hợp các nước đã phê chuẩn các Công ước liên quan, báo cáo này sẽ lấy thông tin từ các báo cáo của Nước thành viên đó theo Điều 22 của Điều lệ ILO. Báo cáo cũng sẽ đề cập đến kinh nghiệm rút ra được từ hoạt động hợp tác kỹ thuật và những hoạt động có liên quan khác của ILO.

2. Báo cáo sẽ được trình lên Hội nghị để thảo luận định kỳ về mục tiêu chiến lược của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động dựa trên thể thức được đồng thuận tại Hội đồng Quản trị. Sau đó, Hội nghị sẽ rút ra kết luận từ phiên họp thảo luận này về mọi biện pháp hành động sẵn có của ILO, bao gồm các ưu tiên và các kế hoạch hành động hợp tác kỹ thuật sẽ được thực hiện trong giai đoạn tiếp theo và để hướng dẫn Hội đồng Quản trị và Văn phòng trong phạm vi trách nhiệm của họ.

IV. ĐƯỢC HIỂU RẰNG

1. Theo đúng trình tự, Hội nghị sẽ rà soát việc triển khai này dựa vào kinh nghiệm thu được nhằm đánh giá liệu việc triển khai đã thực hiện đầy đủ mục tiêu tổng thể nêu tại Phần I hay chưa.

Công ước

Một số khuyến nghị

Khuyến nghị số 01

Khuyến nghị về …..

EnglishVietnam