Tập huấn: “Những nội dung mới của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động”

Tập huấn về "Những nội dung mới của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động"

Trong 2 ngày 25-26.8.2022, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn những nội dung mới của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi chủ trì và phát biểu khai mạc buổi tập huấn

Buổi tập huấn có sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ 10 tỉnh, thành phố phía Bắc, bao gồm lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trưởng phòng lao động tiền lương, cán bộ lao động, tiền lương, hòa giải viên lao động, thư ký hội đồng trọng tài.

Khai mạc lớp tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh hệ thống thể chế pháp luật quan hệ lao động đã khá đầy đủ, phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế và tiệm cận dần tới các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Các thiết chế quan hệ lao động đang trong quá trình củng cố và hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận thấy rằng các thiết chế này đang hoạt động chưa tương xứng với vị trí vai trò của nó trong hệ thống quan hệ lao động. Một nguyên nhân quan trọng của hạn chế là khâu tổ chức thực hiện gắn với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động; tại một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức để nâng cao hiệu quả triển khai các quy định mới của Bộ luật Lao động về quan hệ lao động. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và được cụ thể hóa tại Quyết định số 416/QĐ-TTg ngày 25/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư.

Nhiệm vụ đặt ra cho Bộ và các địa phương trong thời gian tới là củng cố và kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động theo quy định pháp luật, tăng cường gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các thiết chế hòa giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động, giảm thiểu các can thiệp hành chính từ khâu tiếp nhận, điều phối và giải quyết tranh chấp lao động; phát huy vai trò của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong hòa giải, trọng tài tranh chấp lao động; thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ quan hệ lao động; phát huy vai trò của hòa giải viên lao động trong xử lý các cuộc đình công không theo trình tự pháp luật quy định; triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động về bảo đảm các điều kiện làm việc cho hòa giải viên, Hội đồng trọng tài, các cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ; tổng hợp đánh giá kết quả hoạt động của các cơ chế, thiết chế quan hệ lao động nhằm khẳng định vai trò trụ cột của các cơ chế, thiết chế hòa giải, trọng tài trong xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Trên cơ sở các nhiệm vụ nêu trên, buổi tập huấn sẽ đi tập trung vào các nội dung chính:

– Nhóm nội dung nhằm thống nhất nhận thức về hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiện hành, bao gồm các bài trình bày về: Những điểm mới của Bộ luật Lao động về hòa giải, trọng tài trong quan hệ lao động; Hệ thống giải quyết tranh chấp lao động hiệu quả.

– Nhón nội dung về những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để trên cơ sở đó có sự đồng thuận trong tổ chức, triển khai thực hiện; bao gồm các bài trình bày về việc: Kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, trọng viên lao động; Xây dựng quy chế quản lý hòa giải viên lao động và xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.

– Nội dung về chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng quy chế về đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, quy chế quản lý hòa giải viên lao động và quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động tại 3 địa phương (Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương) và thảo luận đề xuất các giải pháp vận hành tốt các thiết chế hòa giải, trọng tài.

Thứ trưởng mong muốn sau 2 ngày tập huấn, các đại biểu địa phương sẽ có những giải đáp về những khó khăn, vướng mắc, đồng thời có thêm các thông tin, hướng dẫn cụ thể từ cục Quan hệ lao động và Tiền lương để triển khai kịp thời nhiệm vụ kiện toàn hệ thống các cơ chế, thiết chế  hòa giải và Hội đồng trọng tài lao động phù hợp với tình hình ở địa phương và sớm đưa hệ thống này vận hành trên thực tế.

CIRD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *