Thực thi hiệu quả Chương thương mại và phát triển bền vững của hiệp định EVFTA

Thực thi hiệu quả Chương thương mại và phát triển bền vững của hiệp định EVFTA

Báo Công thương: Trong 2 ngày 22 và 23/11, tại Hà Nội, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị tập huấn về nhóm tư vấn trong nước (DAG) để thực thi hiệu quả Chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương phát biểu

Trong chương trình hội nghị diễn ra vào sáng 22/11, đại diện Vụ Chính sách Thương mại đa biên đã cập nhật một số nội dung chính trong lĩnh vực lao động tại Phiên họp và Diễn đàn Uỷ ban Thương mại và Phát triển bền vững lần 2 của EVFTA.

Cùng với đó, chuyên gia về lao động của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã đề cập đến tình hình thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững trong lĩnh vực lao động của EVFTA. Quy đinh về phát triển bền vững trong lĩnh vực lao động của EU đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Về cam kết lao động trong EVFTA

EU và Việt Nam “tái khẳng định cam kết của mình, phù hợp với các nghĩa vụ theo ILO và Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về các chuyên tắc cơ bản trong lao động” năm 1988, sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi hiệu quả các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động (gồm 8 công ước cơ bản), bao trùm các chủ đề được xem là các nguyên tắc cơ bản trong lao động như: Tự do hiệp hội và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; xoá bỏ, chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; xoá bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị tập huấn

EU tiến tới cấm hoàn toàn việc nhập khẩu vào EU các hàng hoá liên quan đến các hình thức nô lệ hay lao động cưỡng bức thời hiện đại

Thông tin từ Hội nghị tập huấn cũng cho thấy, EU rất nghiêm khắc với những sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Theo đó, những biểu hiện nhận biết lao động cưỡng bức theo ILO, bao gồm: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; lừa gạt; hạn chế đi lại; bị cô lập; bạo lực thân thể và tình dục; doạ nạt, đe doạ; giữ tiền lương; lệ thuộc vì nợ; làm thêm giờ quá quy định…

Ngày 3/6/2022, Uỷ ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu đã đưa ra dự thảo Nghị quyết số B9-0291/2022 về việc xây dựng một biện pháp thương mại mới để cấm các sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Sau khi thảo luận dự thảo này, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết số 2022/2611 (RSP- Nghị quyết chuyên đề) ngày 9/6/2022, định hình một số vấn đề liên quan.

Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu cũng đề nghị xây dựng một dự thảo luật quy định một cơ chế truy vết hiệu quả áp dụng với hàng hoá do lao động cưỡng bức và lao động trẻ em làm ra, tiến tới cấm hoàn toàn việc nhập khẩu vào EU các hàng hoá liên quan đến các hình thức nô lệ hay lao động cưỡng bức thời hiện đại.

Hội thảo đánh giá tác động của EVFTA đối với vấn đề lao động – việc làm sau 02 năm thực thi

Cũng trong ngày 23/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội thảo đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đối với vấn đề lao động – việc làm. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức (Bộ LĐTBXH) chủ trì Hội thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Thị Minh Đức phát biểu khai mạc hội thảo

Phó Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Hà Thị Minh Đức cho biết, thực hiện công tác đánh giá và dự báo tác động của EVFTA và CPTPP hàng năm nhằm giúp Việt Nam kịp thời có những giải pháp ứng phó với biến động của lao động về số lượng, chất lượng, loại lao động… Thông qua đó, chúng ta sẽ có cơ sở để tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách.

Báo cáo đánh giá tác động định lượng của Hiệp định EVFTA về vấn đề lao động, việc làm đến năm 2025, ông Phạm Ngọc Toàn (Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, việc đánh giá sẽ giúp xác định những cơ hội, thách thức để đề ra các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

Theo báo cáo, thực trạng lao động-việc làm của Việt Nam có xu hướng tăng giai đoạn 2012-2019 và bắt đầu giảm vào năm 2020 do dịch bệnh Covid-19. Đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều việc làm trong ngành cung cấp dịch vụ hàng hóa cho ngành xuất khẩu sang EU được tạo ra, tác động EVFTA đến khu vực thành thị và nông thôn không có sự khác biệt nhiều.

Đối với nhóm ngành có khối lượng xuất, nhập khẩu sang các nước EVFTA cho thấy, các yếu tố về chỉ số định hướng xuất khẩu không thật sự có tác động đến tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội trong từng ngành ở thời điểm sau khi có hiệp định (quý 3/2020) tăng lên so với trước khi hiệp định có hiệu lực.

 

Hội thảo đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) đối với vấn đề lao động, việc làm

Giá trị thương mại giữa Việt Nam và các nước có tác động tích cực tới tiền lương bình quân

Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa tăng, tiền lương bình quân của lao động cũng tăng. Thuế suất xuất khẩu giảm, có tác động tích cực làm tăng tiền lương bình quân của lao động. So với các khu vực khác, tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong khu vực xuất nhập khẩu từ các nước thuộc EVFTA cao hơn so các khu vực còn lại khoảng 17% đến 28%. Sau thời điểm hiệp định EVFTA có hiệu lực, tiền lương bình quân của người lao động cũng cao hơn khoảng 11% so thời điểm trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

 Tác động của EVFTA sẽ tạo thêm việc làm ở cả khu vực thành thị và nông thôn.

EVFTA sẽ tạo thêm khoảng 146 nghìn việc làm cho giai đoạn 2022-2025, bình quân khoảng 36,5 nghìn người/năm (tăng 0,059% so với kịch bản không có EVFTA). Một số ngành có tác động mạnh, hưởng lợi từ EVFTA như: xây dựng (tăng 0,065%); công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 0,063%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 0,061%), … Đặc biệt, so với khu vực khác, tiền lương tại các nước tham gia EVFTA cao hơn so với khu vực còn lại khoảng 17% – 28%, cao hơn khoảng 11% so với thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực.

EVFTA cũng có nhiều tác động tăng nhu cầu việc làm theo giới, nhóm tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật và cơ hội có việc làm thỏa đáng của người lao động

Việc làm tác động mạnh đến nhóm lao động từ 15 đến 34 tuổi. Một số ngành các tác động mạnh từ hiệp định EVFTA như: xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…

Xác suất việc làm thỏa đáng của người lao động cao hơn so trước đó, có lợi hơn đối với nhóm lao động nữ, nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và lao động khu vực thành thị. Mức tiền lương bình quân của người lao động cao hơn khoảng 11% so thời điểm hiệp định chưa có hiệu lực. Hưởng lợi hơn về mức lương thuộc nhóm lao động nữ, lao động khu vực thành thị và nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn.

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên việc thực thi hiệp định thương mại trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài sẽ làm giảm hiệu quả tác động của EVFTA đến lao động việc làm và đặt ra nhiều thách thức đối với lao động việc làm như: thay đổi về hình thức làm việc, thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ, sự mất cân đối cung cầu về cơ cấu lao động…

Thúc đẩy thực thi EVFTA đối với vấn đề lao động – việc làm

Để có thể tận dụng tối đa cơ hội đối với vấn đề lao động – việc làm từ EVFTA, cần tăng cường công tác truyền thông để các đơn vị quản lý, người lao động và nhất là doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin đầy đủ, từ đó nhận thức được cơ hội tiềm tàng từ EVFTA.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần thực hiện công tác đánh giá và dự báo tác động của EVFTA và CPTPP hằng năm nhằm giúp Việt Nam kịp thời có những giải pháp ứng phó biến động của thị trường lao động (số lượng, chất lượng, loại lao động, …), những thay đổi về chính trị – kinh tế của các nước tham gia hiệp định, khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia, một số ngành trong nước có thể bị thu hẹp do cạnh tranh.

Thêm vào đó, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách; tăng cường dự báo nhu cầu lao động theo trình độ kỹ thuật và ngành nghề để đáp ứng yêu cầu của EVFTA, đưa ra kiến nghị phù hợp với điều chỉnh cơ cấu đào tạo của Việt Nam; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kĩ năng, chất lượng cao; quan tâm công tác đào tạo và đào tạo lại lao động; đa dạng hóa giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Các cơ quan quản lý nhà nước nên cụ thể hóa, chi tiết hóa các nội dung của EVFTA để có thể giúp cho doanh nghiệp, người lao động hiểu hết, hiểu kỹ về quyền lợi và lợi ích mà bản thân có thể hưởng từ các hiệp định này. (Đề xuất của đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam).

Nguồn: Bộ LĐTBXH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *