Bộ luật Lao động giúp cải thiện chất lượng việc làm và quan hệ lao động

Sửa đổi pháp luật lao động:

 
vnapotalha-1578474872-20.jpg

Lời giới thiệu

Đặc điểm nổi bật nhất của nền kinh tế trong những năm gần đây là toàn cầu hóa. Nhờ có các công nghệ mới, con người, vốn và hàng hoá di chuyển giữa các nước một cách nhanh chóng hơn bao giờ hết, tạo nên một mạng lưới kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau.

Thế nhưng, liệu quá trình toàn cầu hóa sẽ thúc đẩy thịnh vượng hay làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và bất công? Vấn đề này vẫn đang được tranh luận sôi nổi. Sự bất bình đẳng không chỉ dẫn đến giảm năng suất mà còn dẫn đến nghèo đói, bất ổn xã hội và thậm chí là xung đột.

Theo giới chuyên gia, việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động có thể khuyến khích mức lương thấp phổ biến tràn lan, trình độ tay nghề thấp và các ngành nghề có tốc độ thay thế công nhân cao và ngăn cản đất nước phát triển việc làm một cách bền vững hơn với đội ngũ lao động có tay nghề cao…

Chính vì lý do này mà cộng đồng quốc tế đã nhận ra nhu cầu cần tiếp tục thiết lập các luật chơi cơ bản để đảm bảo rằng toàn cầu hóa sẽ mang lại cho mọi người cơ hội như nhau để đạt được sự thịnh vượng.

Trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đang nỗ lực cải cách hệ thống thể chế trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội theo hướng tuân thủ các nguyên tắc của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…

Bộ Luật mới giúp cải thiện việc làm và quan hệ lao động ở Việt Nam

Ngày 20/11/2019, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Theo giới chuyên gia, lần sửa đổi Bộ Luật Lao động mới nhất này đã tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động.

Đợt điều chỉnh lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là có tới hơn 10 điểm mới đối với người lao động và gần 10 điểm mới với tổ chức người đại diện.

 

Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có hơn 10 điểm mới, trong đó, có những vấn đề có tính chất lịch sử, nhưng có những nội dung tác động trong vài chục năm tới

Trong đó, có những vấn đề có tính chất lịch sử nhưng có những nội dung sẽ có tác động vài chục năm tới, chẳng hạn vấn đề liên quan tổ chức đại diện tại cơ sở, vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm, phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường; những vấn đề liên quan đến tiền lương, tạo điều kiện cho thương lượng tập thể…

“Đây là những vấn đề rất lớn, có tác động sâu rộng. Mặt khác, đây là dịp chúng ta đưa những vấn đề đã cam kết trong các công ước quốc tế hay những hiệp định thương mại trong sân chơi chung. Chúng ta nội luật hóa để phù hợp với vận hành chung của quốc tế nhưng cũng là để phù hợp với Việt Nam,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ngoài việc giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng.

Một nội dung thay đổi lớn là Bộ Luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản. Tiến sỹ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng: “Nhờ có sự tham vấn chặt chẽ, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động giờ đây được quy định rõ ràng hơn, cũng như đã có thêm các quyền và quy trình thể chế mới.”

Mặt khác, điểm tiến bộ trong Bộ Luật Lao động sửa đổi thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử, quấy rối và việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp. Bộ Luật cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, cũng như và giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.

Các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động giờ đây được quy định rõ ràng hơn

Tạo nền tảng hội nhập quốc tế

Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ Luật Lao động sửa đổi lần này thể hiện sự điều chỉnh pháp luật theo các tiêu chuẩn quốc tế là quy định khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết.”

Tôn trọng các công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam) cũng như của các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Theo tiến sỹ Chang-Hee Lee, Bộ Luật Lao động sửa đổi đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO bởi Bộ Luật tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Điều này cũng sẽ góp phần đáng kể để đạt được tiến bộ về việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ.

“Những tiến bộ quan trọng trong sửa đổi trong Bộ Luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng,” tiến sỹ Chang-Hee Lee nói.

10 nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong Bộ Luật Lao động mới gồm: Hợp đồng lao động; thời giờ làm việc; Số giờ làm thêm tối đa; tiền lương, tiền lương tối thiểu; tuổi nghỉ hưu; các điều kiện chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc (về giới tính, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc); phòng ngừa và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong bối cảnh đa tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. 

Pháp luật lao động Việt Nam đang tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế

Các chuyên gia cho rằng, Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua đã giúp Việt Nam tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tim De Meyer, Cố vấn cấp cao về Chính sách Tiêu chuẩn quốc tế (ILO) về vấn đề này.

-Thưa ông, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo ông, những thay đổi quan trọng trong Bộ luật Lao động lần này là gì và nó có ý nghĩa như thế nào đối với người lao động?

Ông Tim De Meyer: Bộ Luật Lao động của Việt Nam là một văn bản pháp luật toàn diện, quy định nhiều nội dung như hợp đồng lao động, tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động…

Bộ Luật Lao động sửa đổi đem lại những thay đổi đáng kể. Theo tôi, có hai nội dung thay đổi quan trọng nhất. Một là, ở cấp cơ sở, người lao động giờ đây có thể thành lập các tổ chức đại diện của mình và tham gia vào quá trình thương lượng tập thể có thể giúp người lao động được hưởng phần chia công bằng từ những lợi nhuận mà họ góp phần tạo ra, mặt khác giúp các doanh nghiệp đảm bảo họ có thể đàm phán để cải thiện năng suất cần thiết.

Quá trình thương lượng tập thể có thể giúp người lao động được hưởng phần chia công bằng từ những lợi nhuận mà họ góp phần tạo ra.

Thay đổi lớn thứ hai là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh. Điều này có nghĩa là nhiều người lao động sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ của Bộ Luật Lao động hơn so với trước đây.

-Bộ Luật Lao động của Việt Nam thay đổi để đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, ông nhận định thế nào về sự điều chỉnh này?

Ông Tim De Meyer: Tôi nghĩ rằng tiến bộ lớn nhất đạt được trong việc tiệm cận hơn với các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế là quyền được tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, có nghĩa là họ được thành lập các tổ chức đại diện cho mình để tham gia vào các cuộc thương lượng về điều kiện làm việc. Điều này rất có ý nghĩa bởi vì nó giúp người sử dụng lao động cũng như người lao động điều chỉnh theo những thay đổi trong thị trường lao động và để thỏa thuận mức độ linh hoạt cần thiết nhằm duy trì tính bền vững trong thời gian dài hơn.

Tôi nghĩ rằng tiến bộ lớn nhất đạt được trong việc tiệm cận hơn với các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế là quyền được tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động

Chúng tôi cũng nhận thấy những tiến bộ đạt được trong quan hệ việc làm mà giờ đây đã được đưa vào Bộ Luật Lao động. Quan hệ việc làm càng được ghi nhận là một công cụ để bảo vệ người lao động làm việc theo yêu cầu của người sử dụng thì càng dễ cho người lao động trong việc yêu cầu được bảo vệ trong khuôn khổ quy định của Bộ Luật Lao động. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể đưa Việt Nam phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề mức lương tối thiểu sẽ có thể đảm bảo rằng thêm nhiều người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu để nuôi gia đình.

-Vậy theo ông thì đâu là những nội dung trong Bộ Luật Lao động cần được lưu ý?

Ông Tim De Meyer: Tôi nghĩ đó là những vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng. Chúng ta nhận thấy ngày nay bất bình đẳng gia tăng ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng về cơ hội.

Việt Nam là một xã hội đang già hóa, vì thế một trong những vấn đề đặt ra là phải tăng năng suất, phải nâng cao trình độ kỹ năng để tận dụng tốt nhất tiềm năng về năng suất lao động của mỗi người. Điều đó có nghĩa là cần thêm nhiều người phụ nữ có thể hiện thực hóa tiềm năng của mình trên thị trường lao động và được đền đáp xứng đáng. Điều này cũng có nghĩa là nhiều điều khoản theo cách tiếp cận tính bảo vệ trong Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi.

Ngoài ra, Trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề và hoạt động kinh tế mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ.

Tôi nghĩ rằng đây là những lĩnh vực mà Bộ Luật Lao động có thể tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa.

– Đối với các quy định về lao động nữ, vẫn khó phân định nên bảo vệ quyền của phụ nữ hay cho họ cơ hội tự lựa chọn, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Ông Tim De Meyer: Trước đây, các công việc trong hầm mỏ dưới lòng đất không dành cho phụ nữ. ILO đã từng có tiêu chuẩn lao động quốc tế nghiêm cấm điều đó kể từ năm 1935, và Việt Nam hiện vẫn phê chuẩn công ước đó. Nhưng, ở các nước khai thác mỏ lớn như Nam Phi hay Australia, ngành công nghiệp khai thác mỏ đã tiếp nhận lao động nữ nhiều năm nay.

Công nghệ giúp phụ nữ có thể sử dụng những thiết bị ban đầu chỉ thiết kế cho nam giới. Điều này mang lại ích lợi cho phụ nữ, cho tăng trưởng kinh tế và cũng góp phần gắn kết xã hội bởi lâu nay tất cả những cộng đồng khai thác mỏ này đều nằm ở khu vực xa xôi và chỉ có lao động nam. Vì thế đây là một ví dụ cho thấy bằng cách tạo bình đẳng trong cơ hội và đối xử, tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi…

 Việt Nam cần thiết phải thực hiện một sự chuyển dịch quan trọng hướng tới chú trọng hơn vào tầm quan trọng của hợp đồng lao động, cho phép người sử dụng lao động và người lao động có thể thương lượng về điều kiện làm việc phù hợp nhất với tình hình của họ.

– Ông đánh giá thế nào về sự phát triển hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam?

Ông Tim De Meyer: Việt Nam từ trước đến nay luôn là nước có hệ thống pháp luật rất rộng. Tuy nhiên, khi càng đưa nhiều luật vào trong bối cảnh các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng hóa thì lại càng khó để mọi người trong nền kinh tế tuân thủ theo các tiêu chuẩn được quy định.

Vì thế, Việt Nam cần thiết phải thực hiện một sự chuyển dịch quan trọng hướng tới chú trọng hơn vào tầm quan trọng của hợp đồng lao động, cho phép người sử dụng lao động và người lao động (cả ở góc độ cá nhân và tập thể) có thể thương lượng về điều kiện làm việc phù hợp nhất với tình hình của họ.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ đây vẫn cần phải thay đổi, nhưng sự thay đổi đó không phải là ban hành thêm nhiều quy định trên giấy tờ mà phải đảm bảo những nội dung được quy định đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.

-Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện pháp luật lao động

Thành tựu đầu tiên trên hành trình hội nhập

Ông Nguyễn Mạnh Cường Trưởng nhóm Lao động, đoàn đàm phán Hiệp định TPP trước đây, hiện là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo cam kết trong CPTPP, Việt Nam có thời gian 3-5 năm để đáp ứng các điều kiện về lao động theo cam kết. Chương về lao động trong CPTPP là cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do hiện có trên thế giới. Những thay đổi chưa từng có Việt Nam đã phê chuẩn thêm ba công ước của ILO riêng trong năm 2019: Công ước số 98 về thương lượng tập thể, công ước nhằm thúc đẩy cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật và công ước về dịch vụ việc làm nhằm thúc đẩy tính hiệu quả của thị trường lao động. Trong đó công ước số 98 là công ước cơ bản của ILO.

Việc phê chuẩn những công ước của ILo là một thành tựu lớn mà Việt Nam đã đạt được, giúp đặt nền móng để Việt Nam tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế xã hội. 

Hiện đại hóa quan hệ lao động hướng đến các tiêu chuẩn của ILO đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết trung ương số 06/NQ-TW ngày 5/11/2016 về hội nhập quốc tế cùng với Quyết định số 2528/QĐ-Ttg của Chính phủ ngày 31/12/2015 đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể về việc phê chuẩn các công ước của ILO. Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW do Trung ương Đảng ban hành vào tháng 5/2018 là một văn kiện quan trọng mở đường cho cải cách về tiền lương phù hợp với Công ước số 98.

Công ước số 98 thúc đẩy tăng cường mức độ bao trùm của thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể là một phương tiện chủ chốt giúp giảm bất bình đẳng và mở rộng phạm vi bảo hộ lao động. Những nội dung tiêu biểu trong thương lượng bao gồm tiền lương, thời giờ làm việc, đào tạo, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và đối xử bình đẳng. Mục tiêu của những cuộc thương lượng này là nhằm đi đến một thỏa ước lao động tập thể quy định các điều khoản và điều kiện làm việc. Để thương lượng tập thể phát huy tính hiệu quả, công đoàn cần thể hiện vai trò là đại diện thực sự của người lao động.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Ban Quan hệ Đối tác và Hỗ trợ các Văn phòng quốc gia, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng việc phê chuẩn những công ước này là một thành tựu lớn mà Việt Nam đã đạt được, giúp đặt nền móng để Việt Nam tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO liên quan đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhưng ba công ước mới đây phê chuẩn là những dấu mốc mới quan trọng đối với Việt Nam.”

Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 công ước cơ bản của ILO. Hai công ước Việt Nam chưa phê chuẩn bao gồm Công ước số 87 về Quyền Tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức và Công ước số 105 về Xóa bỏ Lao động cưỡng bức.

Mặc dù vai trò của công đoàn trong thương lượng tập thể vẫn còn hạn chế trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Nghị quyết 27 vẫn nhấn mạnh “thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động” phải là cơ sở để xác định tiền lương tại cấp doanh nghiệp. Do đó, Nghị quyết 27 khẳng định “Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp” và đề cao nhu cầu “nâng cao vai trò và năng lực của tổ chức công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động trong quan hệ lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Mặc dù chưa thông qua Công ước số 87 về Quyền Tự do hiệp hội và nhưng để bảo vệ quyền này, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã quy định quyền tự do thành lập tổ chức đại điện người lao động. Theo đó, người lao động sẽ được phép thành lập hay gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn ở cấp cơ sở, và những tổ chức đó có thể thuộc hoặc không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bà bà Rie Vejs-Kjeldgaard nhấn mạnh, điều quan trọng khi tiến tới việc phê chuẩn một công ước là các quốc gia đều phải trải qua một chặng đường dài để chuẩn bị, có khi mất hàng năm. Khi công ước đã được phê chuẩn, các công việc để hỗ trợ thực hiện công ước không dừng ở đó. Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là bạn đã đạt đến dấu mốc mới và đó lại là điểm khởi đầu của một chặng đường khác, chặng đường triển khai và hiện thực hóa công ước. Thời hạn 5 năm Thông tin các cam kết chính về lao động của Việt Nam trong CPTPP, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Mạnh Cường cho biết, cam kết lao động của Việt Nam trong CPTPP nằm ở Chương Lao động và Thư trao đổi. Trong đó, cam kết chung về lao động của CPTPP được giữ nguyên trong Chương Lao động của TPP; cam kết riêng về lao động của Việt Nam trong CPTPP là thư trao đổi giữa Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng 10 nước CPTPP.

Mặc dù chưa thông qua Công ước số 87 về Quyền Tự do hiệp hội và nhưng để bảo vệ quyền này, Bộ Luật Lao động sửa đổi đã quy định quyền tự do thành lập tổ chức đại điện người lao động

Các cam kết chung được quy định tại Chương Lao động trong CPTPP bao gồm: các bên sẽ thông qua và duy trì trong các đạo luật và quy định cũng như trong thực tiễn những quyền lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO: tự do liên kết và thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động (mức thông qua và duy trì là mức độ cam kết cao nhất trong các FTA trên thế giới); quy định trong luật pháp và thực hiện trong thực tiễn những điều kiện làm việc ở mức chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Mạnh Cường Trưởng nhóm Lao động, đoàn đàm phán Hiệp định TPP trước đây, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, theo cam kết trong CPTPP, Việt Nam có thời gian 3-5 năm để đáp ứng các điều kiện về lao động theo cam kết. Chương về lao động trong CPTPP là cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do hiện có trên thế giới.

“Nếu Việt Nam có vi phạm các cam kết chung liên quan tới lao động, các nước trong CPTPP sẽ không áp dụng các biện pháp cắt giảm ưu đãi thương mại trong thời hạn 3 năm từ ngày hiệp định có hiệu lực,” ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Đặc biệt, nếu Việt Nam có vi phạm đối với quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu. Trong thời gian năm thứ 5 đến năm thứ 7 CPTPP có hiệu lực, các bên sẽ rà soát về các vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho hay: “Các nước đồng ý cho Việt Nam có 3-5 năm để thực hiện cam kết liên quan tới lao động vì đây là điều khoản khó và mới với Việt Nam. Đặc biệt liên quan tới tổ chức đại diện người lao động, nên cần thời gian nghiên cứu và xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tuyên truyền nâng cao nhận thức để thực thi.”

“Thông qua và duy trì” là một cụm từ nhấn mạnh việc đưa các cam kết về lao động trong Hiệp định vào Luật, đồng thời triển khai trong thực tiễn, tức là Luật hóa các cam kết này. Trước đó, các cam kết trong hiệp định tự do thương mại chỉ là nỗ lực đảm bảo hoặc cố gắng đảm bảo việc thực hiện các quy định về lao động, nghĩa là, Việt Nam chỉ cần thể hiện sự nỗ lực hoặc cố gắng thực hiện. Do đó, việc “thông qua và duy trì” là mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới.

Trong suốt quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động kể từ năm 2016, ILO đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động và Quốc hội nhằm giúp Việt Nam tổ chức tham vấn về nội dung dự thảo một cách đầy đủ nhất, đảm bảo các bên liên quan được tham khảo các bằng chứng và nghiên cứu, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa khung pháp lý quốc gia và các Công ước cơ bản của ILO.

Bộ Luật Lao động vừa được thông qua thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận

“Bộ Luật Lao động vừa được thông qua thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có những khoảng cách và nội dung có thể tiếp tục cải thiện,” Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee chia sẻ.

Ông Chang-Hee Lee cho rằng, khoảng cách đó là việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc liên quan đến chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong lao động. Ngoài ra, quyền tự do hiệp hội trong Bộ Luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây để song hành với những nỗ lực của Chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thành công với nhiệm vụ này vì tương lai của chính mình-một tương lai được xây dựng trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng, bình đẳng, tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động được ghi nhận, và ổn định chính trị xã hội,” ông Chang-Hee Lee nói.

Hoàn thiện pháp luật lao động được các chuyên gia quốc tế đánh giá là thành tựu đầu tiên trên hành trình hội nhập của Việt Nam. Và chắc chắn, tương lai của  Việt Nam sẽ thành công hơn nếu những quy định pháp luật này được thực thi, tuân thủ thủ tốt trong thực tế. Quan hệ lao động của Việt Nam sẽ được xây dựng trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng, bình đẳng./.

Nguồn bài viết: https://special.vietnamplus.vn/2020/01/05/phapluatlaodong/

EnglishVietnam