Tiêu chuẩn lao động quốc tế

Tiêu chuẩn lao động quốc tế là các văn bản pháp lý do các đối tác ba bên của ILO (chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động) soạn thảo và thông qua, quy định các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Các tiêu chuẩn này có thể tồn tại dưới dạng Công ước – mang tính ràng buộc pháp lý của điều ước quốc tế mà các quốc gia thành viên có thể phê chuẩn, hoặc dưới dạng Khuyến nghị – là những hướng dẫn không mang tính bắt buộc.

TÌM HIỂU VỀ TUYÊN BỐ NĂM 1998

Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế về
các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động

Chang Hee Lee,
Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam

Năm 1998, các nước thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có Việt Nam, thông qua Tuyên bố về những Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động và cơ chế theo dõi thực hiện Tuyên bố. Tuyên bố chỉ rõ rằng tất cả các quốc gia thành viên của ILO đều có nghĩa vụ thành viên là phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc liên quan đến các quyền cơ bản trong lao động, cụ thể là: (a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể; (b) loại bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; (c) xóa bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; và (d) loại bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Bản Tuyên bố cũng nhắc lại rằng nghĩa vụ này là bắt buộc cho dù quốc gia thành viên đã phê chuẩn bất kỳ Công ước nào của ILO về các nguyên tắc cơ bản này hay chưa.

Bối cảnh: Bản Tuyên bố đáp lại những thách thức của toàn cầu hóa

Bước sang thập niên cuối thế kỷ XX, có thể thấy rõ sự thay đổi mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới. Thị trường tài chính và thị trường hàng hóa có sự quốc tế hóa ngày càng sâu sắc, những tiến bộ trong công nghệ thông tin và giao thông vận tải cũng như sự nổi lên của nền kinh tế thị trường trên phạm vi gần như toàn cầu đã tạo ra các thành phần thiết yếu cho một Thiên niên kỷ Mới của sự tăng trưởng kinh tế rộng lớn và bền vững, nơi tất cả mọi người đều có được công việc tốt hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Tuy nhiên theo thời gian, sự chênh lệch trong phân phối các lợi ích toàn cầu càng ngày càng trở nên rõ rệt. Sứ mệnh của ILO nhằm thúc đẩy, giúp đỡ các nước thành viên đạt được công bằng xã hội và việc làm bền vững (Decent Work) cho tất cả mọi người ngày một trở nên cấp bách và không thể phủ nhận được. Cộng đồng quốc tế đã thể hiện quan điểm này trong các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới của Liên Hợp quốc năm 1995 về Phát triển Xã hội và các Hội nghị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 1996.

Các công cụ hiện có của ILO cần được tăng cường và những nỗ lực của các quốc gia thành viên cần được đẩy mạnh và thích nghi với môi trường toàn cầu đã thay đổi. Hệ thống các tiêu chuẩn lao động quốc tế có tính chất ràng buộc pháp lý mà ILO đã sử dụng từ năm 1919 cần được bổ sung nhằm đảm bảo nỗ lực của tất cả các nước, bất kể việc họ đã phê chuẩn và đã bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn quốc tế hay chưa.

Tại Hội nghị Lao động Quốc tế tháng 6 năm 1998, đại diện của các chính phủ, cùng với đại diện người sử dụng lao động và người lao động đã thông qua bản Tuyên bố và cơ chế theo dõi thực hiện Tuyên bố. Ông Michel Hansenne, Tổng Giám đốc ILO lúc bấy giờ cho biết, ILO đã “tiếp nhận thách thức mà cộng đồng quốc tế đặt ra cho mình. ILO đã thiết lập các tiêu chuẩn xã hội tối thiểu ở cấp độ toàn cầu nhằm đáp ứng với thực tế của tiến trình toàn cầu hóa và có thể đón nhận kỷ nguyên mới với sự lạc quan mới.”

Cơ chế nhằm khuyến khích thực hiện Tuyên bố

Khi thông qua Tuyên bố năm 1998, các quốc gia thành viên của ILO đã thiết lập không chỉ một tiêu chuẩn tối thiểu. Tuyên bố đưa ra một cách tiếp cận chấp nhận việc tôn trọng và thực thi các nguyên tắc cơ bản cùng với một cơ chế hỗ trợ theo dõi việc thực hiện. Cách tiếp cận đó – cùng với nghĩa vụ phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện – đối mặt trực tiếp với thực tế rằng một số lượng lớn lao động trên thế giới không sinh sống tại các nước đã cam kết các nghĩa vụ của mình thông qua việc phê chuẩn các Công ước ILO nhằm tôn trọng các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Cơ chế theo dõi thực hiện đưa ra ba cách thức thực hiện – trong đó hai cách sử dụng các nghĩa vụ báo cáo và cách thứ ba sử dụng các can thiệp cụ thể – nhằm giúp các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động thực hiện đầy đủ các mục tiêu của Tuyên bố.

– Thông qua Báo cáo Đánh giá Hàng năm, các nước chưa phê chuẩn một hoặc nhiều Công ước ILO liên quan trực tiếp đến các nguyên tắc và quyền cụ thể nêu trong Tuyên bố sẽ phải báo cáo những biện pháp họ đã thực hiện nhằm đạt được mục tiêu tôn trọng Tuyên bố. Các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động có cơ hội nêu lên quan điểm của họ về những việc đã làm và tiến độ thực hiện.

Báo cáo Toàn cầu được thực hiện bởi Tổng Giám đốc ILO đưa ra một bức tranh toàn cầu sống động về tình trạng thực hiện các nguyên tắc và quyền nêu trong Tuyên bố. Các Báo cáo Toàn cầu đưa ra một cái nhìn khách quan về các xu thế khu vực và toàn cầu liên quan đến các vấn đề được đề cập trong Tuyên bố và nhấn mạnh vào các lĩnh vực cần được chú ý hơn. Các báo cáo này là cơ sở để xác định ưu tiên cho hợp tác kỹ thuật.

Hợp tác kỹ thuật và dịch vụ tư vấn do ILO chủ trì và được thiết kế để giải quyết các nhu cầu có thể xác định được có liên quan đến các mục tiêu và nghĩa vụ của Tuyên bố. Các nguyên tắc trở thành thực hành thông qua sự hỗ trợ của ILO nhằm tăng cường cơ chế quản trị và chính sách của địa phương, thúc đẩy sự hợp tác và ủng hộ, thu thập, phổ biến, hỗ trợ nâng cao kiến thức.

Nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia thành viên

Như đã nêu trong Tuyên bố năm 1998, các quốc gia thành viên ILO, với tư cách thành viên, có nghĩa vụ “thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện” những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.

Các quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ này một cách thiện chí và cung cấp thông tin cho ILO về những nỗ lực của họ trong vấn đề này. Nếu một quốc gia thành viên ILO đã phê chuẩn các Công ước ILO liên quan đến một hoặc nhiều trong số bốn nguyên tắc cơ bản – mỗi nguyên tắc được thể hiện trong hai Công ước, tổng cộng có tám Công ước, và một Nghị định thư – quốc gia đó sẽ bị ràng buộc bởi các quyền và nghĩa vụ cụ thể trong những văn bản đó và có nghĩa vụ thông tin định kỳ cho ILO về các biện pháp đã thực hiện để áp dụng các Công ước đã phê chuẩn. Trong những trường hợp này, việc báo cáo theo cơ chế Báo cáo Đánh giá Hàng năm của Tuyên bố năm 1998 là không bắt buộc.

Tổng Giám đốc của ILO có thể đưa ra Báo cáo Toàn cầu mang tính định kỳ với các thông tin được cung cấp bởi các quốc gia thành viên của ILO. Báo cáo không chỉ bao gồm những thông tin thu thập được trong quá trình đánh giá hàng năm, mà còn từ các báo cáo về các Công ước của ILO đã được phê chuẩn, thông tin từ hoạt động hợp tác kỹ thuật của ILO và các nguồn khác. Mỗi năm trong giai đoạn từ 1999-2009, các Báo cáo Toàn cầu về từng nguyên tắc trong 4 loại nguyên tắc cơ bản đã được trình bày tại Hội nghị Lao động Quốc tế để thảo luận. Kết luận tại Hội nghị này đã định hướng cho các hoạt động hợp tác kỹ thuật sau này của ILO. Kể từ năm 2010, cơ chế Báo cáo Toàn cầu được sáp nhập với việc theo dõi thực hiện Tuyên bố 2008 của ILO về Công bằng Xã hội vì một quá trình Toàn cầu hóa Công bằng, lồng ghép việc thúc đẩy các nguyên tắc và quyền cơ bản của Tuyên bố năm 1998 với việc hỗ trợ các quốc gia thành viên thúc đẩy bốn trụ cột của chương trình nghị sự Việc làm Đàng hoàng.

Yêu cầu đối với Việt Nam theoTuyên bố năm 1998

Việt Nam đã phê chuẩn năm trong số tám công ước cơ bản. Theo Tuyên bố năm 1998, Việt Nam có nghĩa vụ thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc và quyền đối với hai loại nguyên tắc cơ bản liên quan đến các công ước cơ bản mà Việt Nam chưa phê chuẩn – đó là tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể và loại bỏ tất cả các
hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc – và báo cáo về những nỗ lực thực hiện theo quy trình Báo cáo Đánh giá Hàng
năm.

Vì Tuyên bố năm 1998 là một văn bản mang tính thúc đẩy, nó được sử dụng như một phương tiện can thiệp hỗ trợ và hợp tác kỹ thuật để cải thiện việc thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản của các quốc gia, bất kể quốc gia đó đã phê chuẩn các Công ước ILO có liên quan hay chưa. Điều này áp dụng cho tất cả bốn nhóm quyền. Do đó Việt Nam có thể kêu gọi ILO hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho những nỗ lực của
mình để thực hiện đầy đủ hơn tất cả các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Văn phòng ILO có nghĩa vụ đáp ứng và hỗ trợ một cách tốt nhất có thể.

Tính năng động của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO và Tuyên bố năm 1998

Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động được thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện theo những cách thức khác nhau ở mỗi quốc gia. Những nỗ lực và kết quả không ngừng thay đổi, vừa là sự phản ánh vừa là kết quả của việc phát triển thông tin có sẵn ở mỗi quốc gia, những thay đổi trong pháp luật và các chính sách được áp dụng, cũng như sự phát triển trong môi trường kinh tế quốc gia và toàn cầu, nơi các nguyên tắc và quyền được áp dụng. Công việc hỗ trợ của ILO cũng được phát triển để thích ứng với những thay đổi đang diễn ra ở các quốc gia và trên toàn cầu. Các mối quan hệ giữa Tuyên bố năm 1998 và các mối quan hệ thương mại quốc tế là một phần của bối cảnh năng động trong đó các mục tiêu của Tuyên bố được thực hiện.

Tác động của Tuyên bố năm 1998 trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại: xu thế và các ví dụ

Kể từ đầu những năm 1990, ngày càng có nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương – được gọi là các hiệp định thương mại “ưu đãi” (PTA) hoặc “tự do” (FTA) – có khía cạnh lao động. Sự phát triển của nội dung này trong đàm phán song phương các hiệp định thương mại đi cùng với những mối quan tâm dẫn đến việc thông qua Tuyên bố năm 1998. Nói một cách ngắn gọn, đối mặt với những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa và phát triển công nghệ, các bên liên quan trong các hiệp định này cảm thấy cần thiết phải tạo ra một nền tảng xã hội tối thiểu cho phát triển thương mại.

Hình thức và nội dung các thỏa thuận về vấn đề lao động trong các hiệp định thương mại khác nhau một cách đáng kể. Tuy nhiên, điểm chung phổ biến ở các thỏa thuận này là đều tham chiếu đến các tiêu chuẩn lao động của ILO. Với tính hợp pháp tuyệt đối của mình, các tiêu chuẩn này được coi như một quy chuẩn về thực thi quyền lao động. Các tiêu chuẩn này là kết quả của đàm phán ba bên, được đưa ra để áp dụng phổ quát cho tất cả các quốc gia trên thế giới và khi được phê chuẩn sẽ được hỗ trợ bởi một hệ thống giám sát quốc tế lâu đời được biết đến bởi tính công bằng, khách quan và độc lập. Nếu lựa chọn, các bên tham gia hiệp định thương mại có thể tham chiếu cơ chế giám sát tiêu chuẩn lao động của ILO. Ngoài các công ước mang tính ràng buộc của ILO, Tuyên bố năm 1998 quan trọng ở chỗ nó đã chính thức thiết lập các tiêu chuẩn cho quyền lao động cơ bản ở cấp độ toàn cầu. Tất nhiên là các bên tham gia hiệp định thương mại có thể đưa ra các tiêu chuẩn khác nếu họ quyết định thương lượng ở tất cả các khía cạnh lao động trong thương mại. Tuy nhiên việc tham chiếu các tiêu chuẩn của ILO và các nguyên tắc đề ra trong Tuyên bố năm 1998 ngày càng phổ biến hơn, thường bởi vì đó là những điều khoản dễ đạt được thỏa thuận nhất./.

Có 8 Công ước cơ bản, bao trùm các chủ đề được xem là các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; chấm dứt phân biệt đối xử trong lao động và nghề nghiệp. Các nguyên tắc này cũng được thể hiện trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động (1998) của ILO.

Tám Công ước cơ bản bao gồm:

• Công ước về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền tổ chức, 1948 (Số 87)

• Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, 1949 (Số 98)

• Công ước về Lao động Cưỡng bức, 1930 (Số 29)

• Công ước về Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức, 1957 (Số 105)

• Công ước về Tuổi Lao động Tối thiểu, 1973 (Số 138)

• Công ước về các Hình thức Lao động Trẻ em Tồi tệ nhất, 1999 (Số 182)

• Công ước về Trả công Bình đẳng, 1951 (Số 100)

• Công ước về Chống Phân biệt đối xử (Việc làm và Nghề nghiệp), 1958 (Số 111).

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
8 công ước cơ bản của ILO
Các Công ước đã phê chuẩn
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
Các công ước đang nghiên cứu phê chuẩn
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
Văn bản triển khai
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
Tài liệu tham khảo
Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Optio, neque qui velit. Magni dolorum quidem ipsam eligendi, totam, facilis laudantium cum accusamus ullam voluptatibus commodi numquam, error, est. Ea, consequatur.
EnglishVietnam