Mục tiêu và giải pháp phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Bắc Ninh

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội ở nước ta, Bộ luật Lao động năm 2019 đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và đặt ra nhiều yêu cầu mới và cao hơn về quan hệ lao động, đặc biệt là việc thừa nhận quyền thành lập và hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 395/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 phê duyệt Đề án: “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025” nhằm đề ra các mục tiêu, kế hoạch tổng thể, bền vững với những giải pháp mang tính đồng bộ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới.

Xuất phát từ đặc điểm kinh tế – xã hội và thực trạng vận động và phát triển quan hệ lao động trên địa bàn, Đề án phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã đề ra những mục tiêu và các giải pháp cơ bản, được tóm tắc ở dưới đây:

Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2025 cơ bản xây dựng và đi vào vận hành hệ thống quan hệ lao động mới phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà Việt Nam đã cam kết đảm bảo sự tiến bộ, hài hòa và ổn định; đảm bảo những quyền của người lao động, người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Các mục tiêu cụ thể

  1. Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các đơn vị quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các Khu công nghiệp, mỗi cơ quan bố trí cán bộ phụ trách về quan hệ lao động. 100% cán bộ quản lý nhà nước về quan hệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
  2. Hoàn thành phân công và tổ chức thực hiện chức năng đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động; đảm bảo các cơ chế tiếp nhận, phân công và hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện hiệu quả.
  3. Hoàn thành việc thí điểm lập hồ sơ theo dõi, quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động tại một số doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ tranh chấp lao động tập thể.
  4. 100% tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi có yêu cầu được hướng dẫn thành lập, đăng ký thành lập, được hỗ trợ đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.
  5. Kết nạp được 40.000 đoàn viên Công đoàn, hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức Công đoàn.
  6. 80% cán bộ ban chấp hành, ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quan hệ lao động khi được bầu vào ban chấp hành, ban lãnh đạo.
  7. Phấn đấu 80% doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến hành thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 85% bản thỏa ước lao động tập thể có điều khoản có lợi hơn cho người lao động.
  8. Hoàn thành việc xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập, các điều kiện lao động và thông tin kinh tế xã hội khác nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể.
  9. Hoàn thành việc kiện toàn Hội đồng trọng tài lao động, đảm bảo 100% trọng tài viên lao động được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quan hệ lao động, giải quyết tranh chấp lao động.
  10. Củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên lao động đảm bảo 100% hòa giải viên lao động được đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện tốt đồng thời hai chức năng hỗ trợ quan hệ lao động và hòa giải tranh chấp lao động.

6 nhóm giải pháp phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2021-2025

1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và hỗ trợ quan hệ lao động của cơ quan nhà nước

Bao gồm các hoạt động:

– Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước về quan hệ lao động ở cấp tỉnh, cấp huyện và bố trí cán bộ phụ trách thực hiện chức năng quản lý các tổ chức đại diện của người lao động và quản lý, hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh.

– Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, hỗ trợ quan hệ lao động cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước về quan hệ lao động theo một chương trình tổng thể, thống nhất phù hợp với yêu cầu mới về quan hệ lao động.

– Tăng cường năng lực, đổi mới nội dung và phương thức thanh tra, kiểm tra về lao động theo hướng tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

– Tăng cường quản lý và hỗ trợ quá trình thành lập, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

– Tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và người sử dụng lao động về pháp luật lao động và quan hệ lao động.

2) Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động

– Đổi mới hoạt động và nâng cao vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên công đoàn và người lao động.

– Đẩy mạnh việc thu hút đoàn viên công đoàn theo hướng đa dạng hóa cách tiếp cận để vận động thành lập công đoàn cơ sở, bảo đảm sự tham gia thực chất và tích cực của người lao động và không có sự can thiệp, thao túng của người sử dụng lao động.

–  Phát triển năng lực và tăng cường bảo vệ đối với cán bộ công đoàn cơ sở.

3) Thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể

– Xây dựng, phát triển năng lực và hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp.

– Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và cung cấp các thông tin, dữ liệu về tiền lương, thu nhập và điều kiện lao động khác tại một số nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đối thoại và thương lượng tập thể.

– Vận động, triển khai việc thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia.

4) Nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động

– Kiện toàn tổ chức và hoạt động của hòa giải viên lao động đáp ứng yêu cầu mới.

– Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động theo yêu cầu, nhiệm vụ mới.

5) Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động

– Đẩy mạnh chương trình xây dựng thiết chế công đoàn nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

6) Xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế ba bên trong quan hệ lao động

– Tăng cường cơ chế phối hợp, tham vấn ba bên trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *